Do bê tông có kết cấu mao quản và rỗng nên có thể bị hóa ẩm do hút một lượng hơi nước nhất định từ môi trường không khí xung quanh hoặc có thể hút nước đến bão hoà khi tiếp xúc trực tiếp với nước.
Khi độ ẩm tương đối của môi trường không khí vượt quá trị số ẩm của bê tông, hay khi nhiệt độ bão hoà hơi nước môi trường xung quanh lớn hơn nhiệt độ bê tông, sẽ đưa đến sự hút ẩm. Độ ẩm cân bằng của bê tông phụ thuộc vào độ rỗng và tính chất phần rỗng của bê tông. Với bê tông nhẹ cốt liệu rỗng, có cấu tạo toàn khối liên tục độ hút ẩm có thể đạt tới 20 – 25%.
Sự hút nước và bão hoà nước của bê tông khi tiếp xúc trực tiếp với nước xảy ra do sự hút ẩm mao dẫn trong bê tông hoặc qua các lỗ rỗng hở khi mặt ngoài của sản phẩm hay công trình bị thấm ướt. Sự hút ẩm mao dẫn hay sự dịch chuyển hơi nước trong mao quản nhỏ trong đá xi măng tương đối đặc chắc xảy ra khi có građien nhiệt độ và độ ẩm. Những mao quản có tiết diện < 1 micromet không cho nước lọt qua kể cả dưới áp lực đáng kể hoặc khi trên vách mao quản có chiều dày của màng nước hấp phụ bằng 0,5 micromet thì sự dẫn nước mao quản này hoàn toàn bị mất đi.
Độ hút nước lớn nhất của bê tông xi măng, cốt liệu đặc chắc thường xuyên ở trạng thái bão hoà nước có thể đạt đến 4 – 8% theo khối lượng (10 – 20% theo thể tích). Với bê tông nhẹ cốt liệu rỗng, độ hút nước lớn đáng kể và dao động trong giới hạn lớn phụ thuộc vào độ rỗng và tính chất rỗng của cốt liệu cũng như cấu tạo của bê tông.
Khi bão hoà nước, cường độ bê tông sẽ giảm. Tỉ số cường độ bê tông ở trạng thái bão hoà nước và ở trạng thái khô gọi là hệ số mềm. Với bê tông xi măng nặng hệ số mềm dao động trong phạm vi 0,85 – 0,9, bê tông thạch cao có hệ số mềm 0,35 – 0,45. Sự hút nước và bão hoà liên tiếp sẽ dẫn đến sự biến đổi thể tích bê tông và biến dạng dài sản phẩm nhưng không lớn. Nhưng cứ bão hoà nước rồi sấy khô liên tiếp nhiều lần, sự biến dạng lắp đi lắp lại liên tục dẫn đến phá hoại mối liên kết và làm lay chuyển kết cấu bê tông.

Tags: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,